Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Ngoại Vụ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Ngoại giao tổ chức phiên họp toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước

    Sáng 21/12, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32, Bộ Ngoại giao tổ chức phiên họp toàn thể về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước với chủ đề "Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng". Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến với sự tham dự của  các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Ngoại giao, các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Quang cảnh phiên họp trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

 

            Phiên họp toàn thể đã tập trung thảo luận: Thứ nhất, đánh giá và dự báo tình hình kinh tế quốc tế, nhất là làm rõ những chuyển động mang tính bước ngoặt, các xu hướng lớn của kinh tế thế giới và khu vực. Thứ hai, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả, thành tựu công tác ngoại giao kinh tế đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, nhất là từ sau khi ban hành Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư và Chương trình hành động của Chính phủ về ngoại giao kinh tế, trong đó làm rõ và sâu sắc hơn kết quả, rút ra các bài học kinh nghiệm.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc

 

           Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nêu rõ: quán triệt sâu sắc chủ trương Đại hội XIII của Đảng đã đề ra về xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, dưới sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, công tác ngoại giao đã có những bước phát triển mới theo hướng toàn diện, thực chất và hiệu quả. Những năm qua, ngoại giao kinh tế đã và đang được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, rộng khắp trên các trụ cột đối ngoại, bao gồm cả đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, đóng góp quan trọng vào việc tạo dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế mà đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày nay. Việt Nam  hiện là nền kinh tế lớn thứ 11 của châu Á; nằm trong nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhóm 30 nền kinh tế có thương mại lớn nhất, là 1 trong 3 nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ASEAN và có mạng lưới liên kết kinh tế sâu rộng, đa tầng lớp, trong đó, đã ký 16 Hiệp định thương mại tự do bao trùm tất cả các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo

 

           Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được trên lĩnh vực ngoại giao. Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: Năm 2024 sẽ có nhiều thời cơ và thách thức đan xen, do đó công tác ngoại giao cần phải có sự chủ động, sát tình hình mới, có tầm nhìn chiến lược; tiếp tục thể chế hóa đường lối đối ngoại của Đảng, tập trung vào các khâu trọng tâm, trọng điểm; xác định rõ các khó khăn, thách thức cần tháo gỡ; hoàn thiện thể chế, cơ chế hợp tác bảo đảm đầy đủ, sát thực tiễn và tổ chức thực hiện tốt; cần linh hoạt, chủ động, mạnh mẽ để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng một cách nhanh chóng; phát huy tính tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo; tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương… Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có tư duy đổi mới, tích cực, hiệu quả; nắm chắc tình hình, thay đổi cách tiếp cận để tham mưu cho Đảng, Nhà nước xây dựng chiến lược ngoại giao kinh tế phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; học tập phương thức quản trị hiện đại, quản trị nguồn nhân lực; hoàn thiện thể chế nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm độc lập, tự chủ và tích cực hội nhập; bám sát thực tế để làm những việc người dân, doanh nghiệp cần; xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao bản lĩnh về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, tinh thông nghiệp vụ ngoại giao, hiểu biết luật pháp và có tâm, có tầm./.

 Kim Hoàn