Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Ngoại Vụ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác ngoại giao kinh tế 6 tháng đầu năm 2024

Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) đã được triển khai một cách bài bản và hiệu quả, đóng góp thực chất vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và của các địa phương trên cả nước nói riêng.

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, NGKT đóng góp duy trì cục diện đối ngoại thuận lợi cho phát triển đất nước và đẩy mạnh thu hút nguồn lực phục vụ và các động lực tăng trưởng. Trong 36 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2024 đến nay, nội dung kinh tế tiếp tục trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất, ký kết được nhiều cam kết, thỏa thuận hợp tác với các đối tác. Quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng, nâng tầm, nâng cấp. Nội dung thúc đẩy mở cửa thị trường xuất khẩu, đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA), tăng cường thu hút nguồn lực hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực mới như kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, lao động… được chú trọng lồng ghép và cụ thể hóa thành các cam kết, dự án cụ thể trong mọi hoạt động đối ngoại cấp cao với các đối tác lớn tại Đông Bắc Á, Châu Âu, Bắc Mỹ, các đối tác tiềm năng ở Trung Đông, Châu Phi, Mỹ Latinh.

Công tác NGKT cũng góp phần củng cố động lực tăng trưởng thông qua rà soát triển khai các thỏa thuận tự do hóa thương mại vừa ký kết, nâng cấp thỏa thuận đã có và chủ động đàm phán thỏa thuận mới. 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã rà soát và đẩy nhanh tiến độ thực thi các FTA chủ chốt, có tầm ảnh hưởng lớn với Việt Nam. Trong khuôn khổ Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đã chủ trì xây dựng dự thảo tài liệu thành lập Ban thư ký CPTPP, thống nhất quy chế rà soát thực thi Hiệp định, trình Quốc hội xem xét phê chuẩn hồ sơ gia nhập của Anh, tham mưu chủ trương về hồ sơ gia nhập của các nền kinh tế khác. Trong Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên về việc thiết lập Bộ phận hỗ trợ thực thi đặt tại Ban thư ký ASEAN, tạo tiền đề cho việc thành lập Ban thư ký. Với EU, Việt Nam rà soát tiến độ thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đối với nhiều mặt hàng, đồng thời quyết liệt vận động và nâng số thành viên EU phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) lên 18/27 nước. Với Anh, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị để tổng kết ba năm thực thi FTA song phương…

NGKT đã tích cực hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp, quyết liệt tháo gỡ vướng mắc trong các dự án với tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Theo đó, đối với địa phương, Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức nhiều Đoàn quảng bả ở trong và ngoài nước, hỗ trợ các tỉnh, thành ký kết các Bản ghi nhớ với đối tác quốc tế, hỗ trợ các địa phương vận động thành công UNESCO công nhận thêm 03 Di sản thiên nhiên và văn hóa, nâng số lượng di sản UNESCO lên 68, góp phần tạo thêm nguồn tài nguyên thúc đẩy phát triển du lịch…đồng thời, kết nối, xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại, thúc đẩy các hướng đi mới, như phát triển ngành Halal, qua đó mở rộng thị trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2024, đã đón nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào Việt Nam, như: NVIDIA, Apple, Intel, Google, Inforsys, Siemens... cùng nhiều doanh nghiệp lớn từ Bắc Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản...

          Trong 6 tháng đầu năm 2024, trong công tác NGKT, tỉnh Lạng Sơn chú trọng củng cố và phát triển quan hệ đối ngoại, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây - Trung Quốc, đặc biệt chú trọng hợp tác kinh tế thương mại biên giới nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh biên giới, thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ lợi ích lâu dài, bền vững cho người dân và doanh nghiệp hai bên, tỉnh đã chỉ đạo phát huy tối đa các kênh trao đổi, hội đàm cấp Tỉnh - Khu, cấp sở, ngành, cơ quan, lực lượng chức năng tương ứng hai Bên để thúc đẩy nâng cao tiện lợi hoá và năng lực thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu, kéo dài thời gian thông quan, khôi phục các hoạt động thương mại biên giới, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh như trước đại dịch COVID-19, phối hợp triển khai hiệu quả các phương thức giao nhận hàng hóa tại các cửa khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu của tất cả các loại hình đạt 23.630,9 triệu USD, tăng 28,65% so với cùng kỳ năm 2023.

Đặc biệt nhằm thúc đẩy hợp tác nghiên cứu, triển khai các sáng kiến hợp tác qua biên giới trong môi trường chuyển số; xây dựng mô hình giao nhận hàng hóa mới, nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu đường bộ, đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng, năm 2023, UBND tỉnh Lạng Sơn và Chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc đã ký “Thoả thuận khung về cùng thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh”. Đến nay tỉnh đã hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh; tích cực phối hợp, ủng hộ phía Quảng Tây triển khai dự án và nghiên cứu, chuẩn bị triển khai dự án xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh sau khi được Chính phủ phê duyệt. Về hợp tác mở rộng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ cho phép mở chính thức các lối thông quan Cốc Nam (khu vực mốc 1104 - 1105), Tân Thanh (khu vực mốc 1090-1091) thuộc cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị và phối hợp với Chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây tổ chức Lễ công bố vận hành chính thức các lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá thuộc Cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan vào cuối tháng 5 năm 2024. Các cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc cũng đang tích cực nghiên cứu, trao đổi để thúc đẩy xây dựng khu hợp tác du lịch qua biên giới Văn Lãng - Bằng Tường.

Bên cạnh đó tỉnh luôn chú trọng mở rộng quan hệ hợp tác phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội địa phương với các địa phương, đối tác chiến lược (Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Italia, Singapore, Australia, EU, các nước ASEAN) và nhiều định chế tài chính, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, từng bước thiết lập, mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực, nội dung cụ thể, thiết thực phù hợp với nhu cầu và tiềm năng lợi thế. Tỉnh đã tập trung đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong xây dựng Công viên địa chất Lạng Sơn, đến nay đã hoàn thành hồ sơ trình UNESCO thẩm định công nhận Công viên địa chất Lạng Sơn là Công viên địa chất toàn cầu trong năm 2024. 

Cùng với đó công tác thành lập và xây dựng hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch quốc gia, các dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông được tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo triển khai, đã khởi công dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn, cụm công nghiệp Hồ Sơn 1 và cụm công nghiệp Bắc Sơn 2... nhằm thúc đẩy thu hút nguồn vốn FDI vào địa bàn tỉnh trong thời gian tới ./.

Khổng Nghĩa tổng hợp