Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Ngoại Vụ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn

Ngày 17/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 865/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).

Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị

 Theo Quyết định phê duyệt Đề án, việc triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh áp dụng hình thức giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu mới dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quy trình thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải trong quá trình giao, nhận hàng hóa xuất nhập khẩu để nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan tại các cửa khẩu đường bộ, đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng. Đồng thời, giải quyết tình trạng ùn ứ hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, giảm chi phí vận chuyển, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp xuất nhập khẩu; tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho Nhân dân hai bên biên giới; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia.

   Mô hình cửa khẩu thông minh được thực hiện trong một phạm vi tách biệt, khép kín, áp dụng đối với một số chủng loại mặt hàng cụ thể trong thời gian thí điểm. Bên cạnh đó, phương thức giao nhận hàng hóa truyền thống vẫn được duy trì hoạt động đồng thời. Các mặt hàng lựa chọn thực hiện thí điểm thông quan theo mô hình cửa khẩu thông minh bao gồm: mặt hàng hoa quả, linh kiện điện tử xuất khẩu của Việt Nam, các nước ASEAN và mặt hàng linh kiện điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong thời gian thí điểm, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc mở rộng các mặt hàng xuất nhập khẩu để đảm bảo mục tiêu, hiệu quả của Đề án.

Thời gian thực hiện Đề án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1: Từ Quý III/2024 đến hết Quý II/2026 (xây dựng cơ sở hạ tầng); giai đoạn 2: Từ Quý III/2026 đến hết Quý III/2029 (thực hiện thí điểm).

Trong thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc đã thường xuyên trao đổi, tích cực triển khai Thỏa thuận khung về cùng thúc đẩy thí điểm  xây dựng cửa khẩu thông minh  cụ thể như: Phối hợp tổ chức Hội nghị Giao lưu xây dựng cửa khẩu thông minh biên giới Việt - Trung; tổ chức Hội đàm về công tác thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh và khảo sát thực địa các cửa khẩu thông minh tại Trung Quốc; Hải quan hai bên tổ chức Hội đàm chia sẻ kinh nghiệm cửa khẩu thông minh và công tác tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa; thường xuyên trao đổi các thư công tác, trao đổi về nội dung cửa khẩu thông minh tại các chương trình nghị sự giữa hai bên… Đề án được phê duyệt là cơ sở để tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc tiếp tục phối hợp, triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại khu vực cửa khẩu của mỗi bên.

Ký kết “Thoả thuận khung giữa UBND tỉnh Lạng Sơn, Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam và Chính phủ nhân dân khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa về cùng thúc đẩy thí điểm xây dựng  cửa khẩu thông minh” dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Quốc Vụ viện Trung Quốc Lý Cường. 

Việc tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc hợp tác triển khai xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh nhằm cụ thể hóa các nhận thức chung quan trọng  đạt được giữa Lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam – Trung Quốc đã góp phần thúc đẩy hợp tác thực chất về kinh tế - thương mại giữa hai bên sâu sắc sắc hơn, từ cấp địa phương hỗ trợ xây dựng cộng đồng cùng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.

Bên cạnh đó, việc triển khai xây dựng thí điểm mô hình cửa khẩu thông minh cũng phù hợp mục tiêu chương trình chuyển đổi số quốc gia và của tỉnh; qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông quan hàng hóa giữa hai bên tiến hành nhanh chóng, không tiếp xúc, không bị gián đoạn, nâng cao hiệu suất thông quan và giải quyết được vấn đề ùn tắc hàng hóa xuất, nhập khẩu, nhất là trong thời gian cao điểm, giảm chi phí cho doanh nghiệp hai bên. Triển khai dự án sẽ đóng góp một phần quan trọng vào thực hiện mục tiêu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, đồng thời là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các nước khác./.

Khổng Nghĩa