Cổng thông tin điện tử tỉnh Lạng Sơn

Sở Ngoại Vụ

A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước năm 2024

Chiều tối ngày 02/4/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị với các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế (NGKT) phục vụ phát triển đất nước năm 2024. Hội nghị được tổ chức với hình thức trực tiếp tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ và trực tuyến với điểm cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Chủ tịch UBND, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng và lãnh đạo 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Tại điểm cầu của tỉnh Lạng Sơn, có đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trực thuộc tỉnh tham dự.

(Các điểm cầu tham dự Hội nghị)

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn

          Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã báo cáo về việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 20/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2022-2026 thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030; theo đó, NGKT đã trở thành một trong những nội dung quan trọng nhất trong các hoạt động đối ngoại cấp cao, đóng góp quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các đối tác, đem lại lợi ích thiết thực cho đất nước. Các đại biểu của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện Bộ, ngành, UBND các tỉnh đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả, phân tích, đánh giá sâu về các tồn tại, hạn chế, các nguyên nhân chủ quan, xác định các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, sát thực tiễn, để tăng cường và tạo đột phá đối với các trọng tâm của NGKT thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận  

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị các các bộ, ngành trung ương, các địa phương, các Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, các hoạt động trên tinh thần 03 cùng: cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn hành động; cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng và cùng phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh "3 phát huy": phát huy thế và lực của đất nước để thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư; phát huy sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, đẩy mạnh NGKT, ngoại giao văn hóa, giao lưu Nhân dân, phát triển du lịch; phát huy tính năng động, sáng tạo, linh hoạt, thông minh của người Việt Nam để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và phát huy tối đa hiệu quả từ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Thủ tướng cũng chỉ rõ 04 định hướng lớn với NGKT thời gian tới là: tổ chức tốt các chương trình đối ngoại của lãnh đạo cấp cao và hoạt động đối ngoại các cấp, đưa nội dung kinh tế tiếp tục trở thành một trọng tâm của các hoạt động đối ngoại; cùng nhau làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời phát huy các động lực tăng trưởng mới, các lĩnh vực mới và mang tính đột phá; khai thác tối đa tiềm năng của các khuôn khổ, quan hệ vừa được nâng cấp, các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết; đẩy mạnh huy động nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan cần chủ động chuyển tải thông điệp tới các đối tác quốc tế về tinh thần cầu thị và cam kết của Chính phủ bảo đảm môi trường chính trị, đầu tư, kinh doanh an toàn, hấp dẫn tại Việt Nam; đôn đốc triển khai các thỏa thuận, cam kết quốc tế đã ký kết; củng cố quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với các thị trường lớn, chủ chốt và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chú trọng hơn các địa bàn tiềm năng, còn nhiều dư địa hợp tác; tạo đột phá trong thu hút đầu tư các lĩnh vực mới; nâng cao chất lượng, tính nhạy bén, kịp thời của công tác nghiên cứu, thông tin, tham mưu chiến lược, nắm bắt xu thế, phản ứng chính sách kịp thời, phục vụ điều hành kinh tế - xã hội…

Hương Trang